Dầu sụt hơn 4% do lo ngại về lệnh phong tỏa ở châu Âu

Giá dầu sụt hơn 4% vào ngày thứ Ba (23/3), do lo ngại về các biện pháp phong tỏa mới và việc triển khai vắc-xin chậm chạp ở châu Âu cũng như do đồng USD mạnh hơn.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent rớt 2.61 USD (tương đương 4%) xuống 62.01 USD/thùng, sau khi chạm mức đáy 61.41 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2.71 USD (tương đương 4.4%) còn 58.85 USD/thùng, sau khi rớt xuống mức thấp 58.47 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng đều dao động gần các mức đáy chưa từng thấy kể từ ngày 12/02/2021.

Mức chênh lệch hợp đồng dầu Brent tương lai đã giảm thành mức bù hoãn mua (contango) nhỏ lần đầu tiên kể từ tháng 01/2021.

Contango là tình huống mà giá tương lai của hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai của hàng hóa đó, và có thể khuyến khích nhà đầu tư đưa dầu vào kho. Các chuyên gia phân tích của Commerzbank cho biết: “Châu Âu đang thắt chặt các biện pháp chống dịch Covid-19 và do đó làm hạn chế hơn nữa tính di động. Điều này có khả năng tác động tiêu cực tương ứng đến nhu cầu dầu”.

Việc gia hạn các lệnh phong tỏa được diễn ra bởi mối đe dọa bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3, với một biến thể mới của virus corona trên lục địa này.

Đức, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất châu Âu, đang gia hạn lệnh phong tỏa cho đến ngày 18/4 và yêu cầu người dân ở nhà để cố gắng ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3.

Gần 1/3 nước Pháp bước vào đợt phong tỏa kéo dài 1 tháng vào ngày 27/3 sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Paris và các vùng ở phía Bắc nước Pháp.

Đồng USD mạnh hơn cũng gây sức ép lên giá dầu. Do dầu được định giá bằng đồng USD, đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.

Các thị trường dầu thô thực tế cho thấy nhu cầu đang thấp hơn nhiều so với thị trường hợp đồng tương lai.